Các cầu này bao gồm Cầu Sa Đéc qua kênh Sa Đéc – Lấp Vò, cầu Giồng Găng và cầu Hồng Ngự qua kênh Hồng Ngự – Vĩnh Hưng.
Theo thông tin từ Báo Đồng Tháp, vừa qua, đại diện Ban Quản lý các dự án đường thủy thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có buổi làm việc với UBND TP Sa Đéc về dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa Quốc gia, giai đoạn 1 khu vực phía nam.
Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa Quốc gia, giai đoạn 1 khu vực phía Nam được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư gồm 11 cây cầu. Trong đó xây dựng mới 9 cầu, cải tạo nâng tĩnh không 1 cầu và thanh thải 1 cầu.
Dự án đi qua địa bàn của 5 tỉnh gồm: Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Vĩnh Long với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.160 tỷ đồng, nguồn vốn được trích từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 – 2025.
Trong dự án này, tỉnh Đồng Tháp có 3 cầu gồm: Cầu Sa Đéc qua kênh Sa Đéc – Lấp Vò, cầu Giồng Găng và cầu Hồng Ngự qua kênh Hồng Ngự – Vĩnh Hưng.
Theo khảo sát sơ bộ, số tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất là khoảng 54 hộ với khoảng 216 người sử dụng đất bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất thu hồi là trên 7.800 m2.
Để dự án được triển khai theo kế hoạch, đại diện Ban Quản lý các dự án đường thủy thuộc Bộ GTVT đề nghị phía TP Sa Đéc hỗ trợ công bố dự án để người dân nắm, thống kê chi tiết số hộ dân bị ảnh hưởng cũng như hoàn tất các thủ tục pháp lý để đơn vị tiến hành các bước triển khai thực hiện dự án.
Cầu Sa Đéc mới sẽ được xây dựng tại vị trí của cầu Sa Đéc cũ trên đường ĐT.848 qua kênh Sa Đéc – Lấp Vò có tổng chiều dài gần 300 m, mặt cầu rộng 12 m, độ tĩnh không cao 7 m, vận tốc thiết kế 60 km/h.
Liên quan đến hạ tầng giao thông, thời gian tới tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai hai dự án lớn là cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1.
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu được Thủ tướng phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2026. Tổng chiều dài tuyến khoảng 28 km.
Còn cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư trên 4.770 tỷ đồng, chiều dài tuyến 26 km. Điểm đầu cao tốc kết nối với tuyến N2 thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, điểm cuối tại nút giao An Bình thuộc huyện Cao Lãnh.