Quy hoạch giao thông tỉnh Cao Bằng được thực hiện theo quy hoạch chung tỉnh Cao Bằng đến 2030, tầm nhìn đến 2050, gồm đường cao tốc, đường quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên huyện trên địa bàn tỉnh.
Phương án quy hoạch cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Quy hoạch giao thông tỉnh Cao Bằng đến năm 2030, tổng chiều dài cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh là 842,36 km, tăng thêm khoảng 246 km so với hiện tại. Đối với đường tỉnh, liên tỉnh sẽ nâng cấp đoạn tuyến ĐT. 215, ĐT.208 thành quốc lộ, đồng thời nâng cấp một số tuyến đường huyện thành tỉnh lộ.
Mật độ đường giao thông quốc lộ và đường tỉnh của tỉnh Cao Bằng sẽ tăng lên mức 27,8 km/100 km2 (trong đó quốc lộ là 12,4 km/100 km2, đường tỉnh là 15,5 km/100 km2), so với mức 24,5 km/100 km2 hiện nay.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1454/QĐ – TTg ngày 01/9/2021 xác định đường bộ cao tốc và quốc lộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng như sau:
Đường bộ cao tốc có 02 tuyến
- Cao tốc Tiên Yên – Lạng Sơn – Cao Bằng (CT.10); phân đoạn Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài khoảng 121,06 km (đoạn thuộc Cao Bằng dài 68km) giai đoạn I sẽ hoàn thành trong năm 2025. Tuyến kết nối Đồng Đăng (Lạng Sơn) với cao tốc Cẩm Phả Móng Cái dài 100 km, đầu tư sau 2030.
- Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng (CT.07) đoạn Bắc Kạn – Cao Bằng dài 90 km (đoạn thuộc Cao Bằng dài 29,5 Km) nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2026-2030.
Đường Quốc lộ có 06 tuyến hiện có và 01 tuyến mới: Quốc lộ 3 và 3C (tuyến mới), Quốc lộ 4A, 4C, Quốc lộ 34, Quốc lộ 34B, Đường Hồ Chí Minh. Nâng cấp 15,2 km ĐT.215 lên thành Quốc lộ 3C; 15,3 km đường tỉnh ĐT.208 đoạn từ Cô Ngân đến TT. Thanh Nhật thành Quốc lộ 4A.
- Quốc lộ 3 thuộc nhóm quốc lộ chính yếu; điểm đầu tại Hà Nội, điểm cuối tại cửa khẩu Tà Lùng; dài 302 km, quy mô quy hoạch đạt cấp III – IV, 2 – 4 làn xe. Giai đoạn 2021 – 2030: nâng cấp đoạn thành phố Cao Bằng – Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) đạt cấp III, 2 – 4 làn xe; cải tạo duy trì các đoạn còn lại đạt cấp IV miền núi, 2 làn xe, mở rộng một số đoạn qua đô thị, có lưu lượng cao.
- Quốc lộ 4A, 4C thuộc nhóm quốc lộ chính yếu, vành đai 1 của tuyến biên giới phía Bắc; quy mô quy hoạch cấp III – IV, 2 – 4 làn xe. Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, QL.4A được nâng cấp, bổ sung các đoạn đường tỉnh mới, tổng chiều dài 282 km, đạt quy mô tối thiểu cấp IV, 2 làn xe. QL.4C được cải tạo, nâng cấp đạt quy mô tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
- Quốc lộ 34 thuộc nhóm quốc lộ thứ yếu; điểm đầu tại TP. Hà Giang, điểm cuối tại cửa khẩu Trà Lĩnh; dài 265 km, quy mô quy hoạch đạt cấp III – IV, 2 – 4 làn xe. Giai đoạn 2021 – 2030 cải tạo, duy trì quy mô cấp IV miền núi, mở rộng một số đoạn qua đô thị, có lưu lượng cao hơn.
- Quốc lộ 34B thuộc nhóm quốc lộ thứ yếu; điểm đầu tại cửa khẩu xã Đức Long, huyện Thạch An, điểm cuối tại giao QL.3, TP. Cao Bằng; dài 65 km, quy mô cấp IV, 2 làn xe. Giai đoạn 2021 – 2030 cải tạo, duy trì quy mô cấp IV miền núi, mở rộng một số đoạn qua đô thị, có lưu lượng cao hơn.
- Đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Cao Bằng gồm tuyến chính và tuyến nhánh: từ Pắc Bó đến thành phố Cao Bằng dài tổng cộng 52 km, đi theo tuyến hiện nay, quy mô cấp III, 2 – 4 làn xe; từ thành phố Cao Bằng đến Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) đi trùng quốc lộ 3. Giai đoạn 2021 – 2030 nâng cấp đoạn Pắc Bó – TP. Cao Bằng và Cao Bằng – Chợ Mới (Bắc Kạn) đi trùng quốc lộ 3, đạt cấp III, 2 làn xe.
- Quốc lộ 3C (tuyến mới) thuộc nhóm quốc lộ thứ yếu; tuyến mở mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từ ranh giới tỉnh Bắc Kạn (Bộc Bố, huyện pắc Nặm) qua xã Sơn Lộ đến điểm giao QL.34, huyện Bảo Lạc, dài khoảng 15,2 km, điểm đầu tại giao QL.3, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, điểm cuối tại giao QL.34, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; quy mô quy hoạch cấp IV, 2 làn xe.
Phương án quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường tỉnh, liên huyện Cao Bằng
Cải tạo, duy trì đường tỉnh đạt cấp IV đối với ĐT.203, ĐT.206, ĐT.213. Nâng cấp hoàn chỉnh cấp IV đối với 13 đường tỉnh: ĐT.201 (Hoa Thám – Nguyễn Huệ), ĐT.202 (Ca Thành – Bản Riển), ĐT.204, ĐT.205, ĐT.207 (Tà Phầy – Lý Vạn), ĐT.207A (Thanh Nhật – cửa khẩu Hạ Lang), ĐT.208 (Đức Quang – Chí Viễn), ĐT.209 (Tân An – Quang Trọng – Đông Khê), ĐT.209A (Quang Trọng – Ma Nu), ĐT.210, ĐT.212 (Pắc Bó – Nà Bản), ĐT.216 (Nước Hai – Cao Bắc), ĐT.217 (Bảo Lạc – Cốc Pàng). Nâng cấp V đối với 06 đường tỉnh: ĐT.215, ĐT.215A, ĐT.218, ĐT.219, ĐT.220. Đầu tư vào cấp VI các đường tỉnh còn lại.
Trong thời kỳ quy hoạch, tỉnh Cao Bằng sẽ đầu tư xây dựng mới một số đoạn đường giao thông kết nối với cao tốc: đường kết nối từ đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đến thành phố Cao Bằng và đến quốc lộ 3 đi cửa khẩu Tà Lùng, Lý Vạn theo quy mô tối thiểu cấp III, 2 – 4 làn xe.
Cải tạo, nâng cấp một số đường huyện nâng lên thành đường tỉnh đạt cấp VI: cầu Mỏ Sắt (xã Dân Chủ, Hà Quảng) – Quý Châu – Xuân Hoà dài 16 km, Yên Thổ (H. Bảo Lâm) – Công Bằng (H. Pắc Nặm, Bắc Kạn) dài 4 km, kết nối ĐT.210 xã Đức Long (H. Thạch An) với xã Quốc Khánh (H. Tràng Định, Lạng Sơn).
Các đoạn đường tỉnh qua đô thị, khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng có quy mô quy hoạch theo quy hoạch đô thị, quy hoạch khu kinh tế đảm bảo bề rộng mặt đường tối thiểu tương đương cấp IV miền núi (nền 7,5 m).
- Đường tỉnh 201 quy hoạch đến năm 2030 sẽ nâng cấp toàn tuyến dài 66 km đạt tiêu chuẩn cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 202 quy hoạch đến năm 2030 sẽ nâng cấp toàn tuyến dài 67 km đạt tiêu chuẩn cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 203 dài 9 km, tiếp tục duy tu, bảo dưỡng giữ cấp IV – MN.
- Đường tỉnh 204 đoạn 1 Nặm Thoong – mỏ sắt Ngườm Cháng dài 10 km, duy trì đạt cấp III, mặt đường bê tông nhựa; đoạn 2 từ Mỏ Sắt – đèo Mã Quỳnh – Thông Nông – lối mở Nà Quân (xã Cần Yên) dài 41km, quy hoạch đến năm 2030 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 205 dài 30 km, quy hoạch đến năm 2030 sẽ duy trì toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 206 đoạn 1 từ Quốc lộ 3 (TT. Quảng Uyên) – TT. Trùng Khánh dài 22,5km, đạt cấp IV – MN, mặt đường rải bê tông nhựa; đoạn 2 từ Km53 (Thác Bản Giốc) – Km 64 400 (Bằng Ca) dài 11,4 km quy hoạch đến năm 2030 toàn tuyến đạt cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 207 đoạn 1 từ ngã ba Tà Phầy (huyện Quảng Hòa) đến thị trấn Thanh Nhật (huyện Hạ Lang) dài 31km; đoạn 2 từ Bằng Ca đến cửa khẩu Lý Vạn dài 8km; đoạn tránh đèo Khau Mòn dài 7,1km. Quy hoạch đến năm 2030 nâng cấp các đoạn để toàn tuyến đạt cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 207A dài 17 km quy hoạch đến năm 2030: nâng cấp toàn tuyến đạt cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 208 dài 33,4 km quy hoạch đến năm 2030: hoàn chỉnh toàn tuyến đạt cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa, chuyển một phần thành QL.4A.
- Đường tỉnh 209 đoạn Tân An – Quang Trọng dài 34 km; đoạn Quang Trọng – TT Đông Khê dài 45 km đường cấp V – GTNT A; đoạn Minh Khai – Quang Trọng – Đức Thông – TT. Đông Khê đang được đầu tư xây dựng. Quy hoạch đến năm 2030 nâng cấp toàn tuyến đạt cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 209A dài 12 km quy hoạch đến năm 2030: nâng cấp toàn tuyến đạt cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 210 dài 104 km, toàn tuyến trùng đường tuần tra biên giới. Quy hoạch đến năm 2030 nâng cấp toàn tuyến đạt cấp V – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 212 dài 32 km, đã được xây dựng đạt cấp V – MN. Quy hoạch đến năm 2030 nâng cấp toàn tuyến đạt cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 213 dài 22 km, đường cấp V miền núi. Quy hoạch đến năm 2030 toàn tuyến đạt cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 214 đoạn Nà Giàng – Lũng Rản – Mã Ba: dài 9 km là đường GTNT A, mặt đường nhựa; đoạn Mã Ba – Quang Vinh – Quang Hán: dài 14 km đã có 11 km đường GTNT A mặt cấp phối, còn khoảng 3 km chưa mở. Quy hoạch đến năm 2030 toàn tuyến đạt cấp V – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 215 đoạn Thông Nông – Hồng An dài 21 km, đường cấp GTNT A – B, mặt đường rải cấp phối; đoạn Hồng An – Bản Ngà (QL.34) dài 15 km đạt cấp VI MN, mặt nhựa, chất lượng trung bình; đoạn Bản Ngà – Sơn Lộ dài 15 km cấp GTNT – B, kết cấu mặt đường nhựa, chất lượng trung bình; đoạn Sơn Lộ – Sơn Lập – Yên Thổ – Bản Búng (Hà Giang) dài 48,5 km, mới mở nền được khoảng 6km, còn lại chưa có vốn để mở thông tuyến; đoạn Yên Thổ – Pác Nhùng (trùng QL.34 tại km 73) dài 18 km, từ Yên Thổ đi Nhạn Môn (Bắc Kạn) đạt cấp IV MN. Quy hoạch đến năm 2030 nối thông toàn tuyến, toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp V – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 215A dài 9 km quy hoạch đến năm 2030 toàn tuyến đạt cấp V – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 216 đoạn Nước Hai – Trương Lương – Thông Nông dài 22km, trong đó có 18 km mặt cấp VI nền cấp IV; 4km cấp IV – MN. Kết cấu mặt đường nhựa; đoạn Thông Nông – Thanh Long – Thái Học – Bó Ca dài 27 Km, đạt cấp V MN, kết cấu mặt đường nhựa; đoạn Nguyên Bình – Tam Kim – Hoa Thám – Đèo Cao Bắc dài 38 km đạt cấp V MN, Bn 6,5m, Bm 3,5m, rải nhựa toàn bộ, mặt đường còn tốt. Quy hoạch đến năm 2030 toàn tuyến đạt cấp IV – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 217 dài 28 km, đạt cấp V MN, mặt nhựa tốt. Quy hoạch nâng cấp IV toàn tuyến dài 28 km.
- Đường tỉnh 218 dài 48 km có 33 km mặt đường nhựa, còn lại 15 km đường cấp phối. Quy hoạch đến năm 2030 toàn tuyến đạt cấp V – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 219 dài 19 km. Quy hoạch đến năm 2030 toàn tuyến đạt cấp V – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường tỉnh 220 dài 24 km có 13 km mặt đường nhựa, 8 km mặt cấp phối và 3 km chưa mở. Quy hoạch đến năm 2030 nối thông toàn tuyến, tuyến đạt tiêu chuẩn cấp V – MN, kết cấu mặt đường nhựa.
- Đường nối thành phố Cao Bằng đến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh dài khoảng 13,5 km, quy mô tương đương cấp III hoặc đường đô thị, 4 – 6 làn xe.
- Đường nối cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với quốc lộ 3 từ điểm giao đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đến giao quốc lộ 3, xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà, dài khoảng 4,5 km, quy mô 2 – 4 làn xe.
- Đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, trục đô thị, trục khu KTCK theo quy hoạch đô thị thành phố Cao Bằng, quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu và quy hoạch đô thị các huyện. Ưu tiên các tuyến đường vành đai thành phố (phía Tây).
Định hướng quy hoạch giao thông đường huyện, nông thôn tỉnh Cao Bằng
Nâng cấp mặt đường các tuyến hiện có; mở mới tăng chiều dài khoảng 3% – 5% mỗi năm; mở rộng, nâng cấp kỹ thuật các tuyến giao thông liên xã, liên thôn bản.
Quy hoạch giao thông tỉnh Cao Bằng đối với đường huyện, liên huyện cơ bản đạt cấp V – VI; đường xã, liên xã cơ bản đạt cấp VI, tối thiểu loại A GTNT (tăng giảm 1 cấp tuỳ điều kiện thuận lợi hay khó khăn về địa hình); các đường khác đạt loại A, B, C GTNT. Phát triển thêm đường thôn bản, đường sản xuất đáp ứng nhu cầu, phù hợp nguồn lực.
Phấn đấu đến năm 2030, cứng hoá mặt đường 100% chiều dài đường huyện, đường đến trung tâm xã, trên 75% chiều dài đường giao thông nông thôn còn lại, thay thế 100% cầu yếu trên đường huyện.
Phương án quy hoạch bố trí các bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ
Xây dựng bến xe tại 06 huyện chưa có bến xe đạt chuẩn là Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An, Quảng Hoà, Hạ Lang, Bảo Lạc. Đầu tư xây dựng bến xe, điểm đỗ xe buýt tại thành phố Cao Bằng và một số thị trấn. Trong đó, ưu tiên 02 bến xe đối ngoại của tỉnh phía Đông Nam (đi các huyện phía Đông, Nam tỉnh) và bến xe phía Tây (đi các huyện còn lại của tỉnh), vị trí phù hợp với quy hoạch đô thị thành phố Cao Bằng.
Phát triển thêm một số bãi đỗ xe tải dọc theo hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Bắc Kạn – Cao Bằng, QL.3, QL.4A, QL.34, QL.34B và các đường ra cửa khẩu đáp ứng nhu cầu vận tải xuất nhập khẩu.
Quy hoạch 06 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ, 2 trạm 2 trạm trên 2 tuyến cao tốc: trạm Hà Quảng tại ngã 3 Đôn Chương; trạm Khau Đồn tại giao QL.3 với QL.34 (Đường Hồ Chí Minh); trạm Trà Lĩnh trong phạm vi Km296 – Km300 (Quốc lộ 3); trạm Bảo Lạc trong khoảng Km109 – Km112; trạm Nguyên Bình trong khoảng Km170 – Km175 (Quốc lộ 34); trạm Hạ Lang gần thị trấn Thanh Nhật (Quốc lộ 4A); trạm Quảng Hoà (Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh); trạm Thạch An (Cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng).
Quy hoạch giao thông đường thuỷ quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Địa bàn tỉnh Cao Bằng có 01 tuyến đường thuỷ nội địa trung ương quản lý trên sông Bằng (Bằng Giang) nhưng không có kết nối với mạng lưới đường thuỷ quốc gia. Đó là đoạn tuyến trên sông Bằng từ khu vực cửa khẩu Tà Lùng (Thuỷ Khẩu bên Trung Quốc) đến thành phố Cao Bằng, quy mô đạt cấp V (cấp kỹ thuật đường thuỷ nội địa).
Quy hoạch giao thông, cảng hàng không tỉnh Cao Bằng
Quy hoạch cảng hàng không Cao Bằng là cảng hàng không nội địa, thuộc giai đoạn sau 2030; quy mô quy hoạch cấp 4C, công suất thiết kế 2 triệu HK/năm, tổng diện tích sử dụng đất khoảng trên 300 ha.
Vị trí: sơ bộ tại huyện Hoà An, cách thành phố Cao Bằng khoảng 13 km về hướng Đông – Nam.
Chuẩn bị mọi điều kiện và phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Cao Bằng trước năm 2030 và đầu tư xây dựng hoàn thành cảng hàng không Cao Bằng trước năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch cảng cạn, trung tâm logistics cấp quốc gia, cấp vùng
Trên địa bàn tỉnh có quy hoạch cảng cạn Cao Bằng phục vụ hành lang kinh tế Hà Nội – Thái Nguyên – Cao Bằng, kết nối với cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, vị trí được ưu tiên gắn với các cửa khẩu đường bộ, phục vụ chủ yếu cho cửa khẩu Trà Lĩnh, Tà Lùng và một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên. Quy mô công suất giai đoạn đến 2030 là 76.500 đến 95.250 TEU/năm, diện tích khoảng 20 – 25 ha. Cảng cạng Cao Bằng đảm nhiệm lượng hàng hóa dự báo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên trên hành lang kinh tế Hà Nội – Thái Nguyên – Cao Bằng, hành lang kết nối Tây Nam Trung Quốc và Việt Nam Trùng Khánh – Quý Châu – Bách Sắc – Cao Bằng – Lạng Sơn – Quảng Ninh – Hải Phòng, kết nối đến cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh (Cái Lân, Mũi Chùa). Cảng cạn Cao Bằng gồm 2 vị trí tại cửa khẩu Trà Lĩnh và cửa khẩu Tà Lùng.
- Cảng cạn tại thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, là một cầu nối giữa Trung Quốc và các nước ASEAN và là điểm trung chuyển, cung cấp các dịch vụ logistics xuất nhập khẩu hàng hóa nông, lâm, hải sản (kho bãi, hải quan, kiểm hoá, …); diện tích khoảng 15 – 25ha đến 2030. Cảng cạn được kết nối vào quốc lộ 34 và tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, từ đó kết nối về quốc lộ 3 và các tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng, Tiên Yên – Đồng Đăng.
- Cảng cạn tại cửa khẩu Tà Lùng phục vụ hỗ trợ cảng cạn Trà Lĩnh, cho các khu vực Thạch An, Quảng Hoà, kết nối với QL.3 ra đến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
Tổng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình cấp quốc gia, cấp tỉnh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là 13.438 ha.